Hiện nay, trong một số trường hợp pháp luật quy định cá nhân sẽ bị cấm xuất cảnh. Vậy, cá nhân nợ thuế bao nhiêu thì cấm xuất cảnh? Thời hạn cấm là bao lâu? Cùng tìm hiểu quy định về cấm xuất cảnh tại bài viết.
Trong hai ngày 19 và 20/2, 5 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế tại Nghệ An bị tạm hoãn xuất cảnh
Cụ thể, theo thông báo số 992/TB-CT, Cục Thuế tỉnh Nghệ An thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn An Bắc (sinh năm 1974) do doanh nghiệp nợ thuế. Ông Nguyễn An Bắc là giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Dịch vụ Địa ốc Vân Hưng Phát.
Ông Bắc bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 20/3/2024 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Cũng với lý do trên, tại Thông báo 991/TB-CT Cục Thuế tỉnh Nghệ An thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trần Văn Phúc (sinh năm 1988) giữ vai trò giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hỏa Phong Đỉnh. Địa chỉ tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
Theo Thông báo số 990/TB-CT Cục Thuế tỉnh Nghệ An thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản LT Lê Văn Đồng (sinh năm 1998). Địa chỉ tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu.
Trước đó, ngày 19/3, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cũng đã thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với hai giám đốc doanh nghiệp. Đó là ông Nguyễn Cảnh Duyên, giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Quỳnh. Địa chỉ tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai.
Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh Nghệ An thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Quỳnh Lê, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vinh Hưng.
Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Cảnh Duyên và bà Nguyễn Thị Quỳnh Lê từ ngày 19/3/2024 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Theo đó, trong ngày 18 và 19/12, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Phùng Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc Đức; ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Trường Lộc Vinh; ông Nguyễn Công Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Trường Lộc Vinh; ông Nguyễn Văn Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DP Nghệ An; ông Phan Văn Thân, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thân Vinh.
Mới đây, ông Lê Quốc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nghệ An ký ban hành Thông báo số 4224, về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành.
Bà Chu Thị Thành là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (địa chỉ tại số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mao, TP. Vinh), bị tạm hoãn xuất cảnh vì là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Theo quy định, thời gian tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày 20/12/2023 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến tháng 8/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức đang nợ thuế hơn 728 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp này còn bị Cục thuế Nghệ An ra quyết định cưỡng chế hóa đơn bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày ra quyết định đến 7/7/2024.
Thẩm quyền quyết định cấm xuất cảnh
Theo quy định tại Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định việc tạm hoãn xuất cảnh của cá nhân như sau:
Cá nhân, người đại diện của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế;
Người Việt Nam xuất cảnh định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế;
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế;
Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp có thẩm quyền quyết định gia hạn tạm hoãn và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp phải hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Lưu ý: Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp chỉ được ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân thuộc các trường hợp nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và trường hợp liên quan đến vụ án, vụ việc đang thuộc thẩm quyền.
Nợ thuế bao nhiêu thì cấm xuất cảnh?
Hiện nay không có quy định cụ thể về trường hợp cấm xuất cảnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, cấm xuất cảnh là một cách gọi khác của trường hợp cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14.
Theo đó, xuất cảnh là việc công dân Việt Nam đi ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam thông qua cửa khẩu Việt Nam. Tạm hoãn xuất cảnh là việc cá nhân bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền dừng, không được xuất cảnh có thời hạn.
Căn cứ khoản 5 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, các cá nhân đang nộp thuế, người đại diện của doanh nghiệp khi đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Ngoài ra, các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân khác như sau:
Bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có căn cứ bị nghi là tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn người đó trốn hoặc hủy chứng cứ.
Người được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành phạt tù, được tha tù trước thời hạn trong thời gian thử thách, người hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án.
Người có nghĩa vụ về tố tụng dân sự nếu việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Người phải thi hành án dân sự, người đại diện của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành nếu việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính cần ngăn chặn việc người đó trốn.
Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh và có căn cứ cho rằng người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng.
Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng có quy định cụ thể về các trường hợp cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế như sau:
Cá nhân, người đại diện của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế;
Người Việt Nam xuất cảnh định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế;
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế;
Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Từ quy định trên có thể thấy, nếu cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì dù cá nhân có đang nợ thuế bao nhiêu cũng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian nhất định.