Văn bản Đồng Tháp Mười mùa nước nổi đã giúp người đọc hiểu hơn về vẻ đẹp của vùng Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi. Chính vì vậy, Download.vn Soạn văn 6: Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, thuộc bộ sách Cánh Diều, tập 1.

Soạn bài Đồng Tháp Mười mùa nước nổi ngắn gọn

=> Thiên nhiên: hùng vĩ, tươi đẹp.

b. Cuộc sống của con người ở Đồng Tháp Mười

- Đặc sản: món bông điên điển xào tôm, cá linh kho ngót

- Di tích: Gò Tháp, ghi dấu lịch sử dân tộc.

- Con người: vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống.

=> Cuộc sống gắn bó với thiên nhiên.

- Nội dung: Tác giả đã tái hiện thiên nhiên Đồng Tháp Mười một cách chân thực, sinh động với những sự vật quen thuộc, gần gũi nhất.

- Nghệ thuật: Thể loại du kí, hình ảnh chân thực, ngôn ngữ giản dị…

Mùa nước nổi Đồng Tháp được ví như một bức tranh thiên nhiên nổi bật của miền Tây Nam Bộ với những hồ sen hồng rực rỡ, hoa súng tím miên man, nhiều loài chim quý bay rợp trời... Năm nay, nước thượng nguồn chưa về, người dân đang ngóng đợi và không quên kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị về mùa nước nổi.

Hoa sen, kênh rạch và mùa cá linh

Cả một vùng rộng lớn bạt ngàn hoa sen đưa hương tinh khiết dịu dàng trong gió, đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân tới Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi. Sen cũng là loài hoa thủy chung, gắn bó với con người, không chỉ tạo ra khung cảnh nên thơ, từng phần của cây sen được người dân chế biến thành món ăn, bài thuốc. Cùng sắc sen hồng là màu hoa súng tím, trắng nở miên man trên sông nước…

Một điều thật đặc biệt, hướng dẫn viên của chúng tôi là một người bạn quen trên Facebook tên Nam. Anh học ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, nhưng không như nhiều người chọn Hà Nội là chốn lập thân. Anh Nam đã trở lại quê hương. Giờ anh là chủ một cơ sở du lịch sinh thái có tiếng ở Đồng Tháp. Cách anh quảng bá điểm đến này trên Facebook quả đã gây ấn tượng cho dân mê du lịch, và đó cũng là lý do chúng tôi có mặt ở nơi này.

Theo chân anh Nam, chúng tôi thuê chiếc vỏ lãi composite len lỏi trên những dòng kênh chằng chịt. Vỏ lãi lướt qua vạt rau tràng nở bông trăng trắng, một vùng tràn ngập, hàng hà sa số những chiếc lá sen xanh, lấm tấm điểm những búp sen hồng hoặc những cánh sen mãn khai.

Giờ thì nước trên các con sông, kênh, rạch đã đục ngầu phù sa, anh Nam bảo: Miền Tây hơi khác các vùng miền ở chỗ người dân sẽ buồn nếu đến mùa lũ mà không thấy lũ về. Lũ như người bạn thân thiết, người reo hò chào đón khi thấy lũ xuất hiện. Nếu nghe qua mà chưa tin, cứ đến nơi đây một lần sẽ biết.

Bởi lũ về là mùa mưu sinh, nhiều sản vật theo con nước trôi về như món quà của thiên nhiên. Trong số đó, cá linh và bông điên điển là hai loại đặc sản của mùa nước nổi và là sự trông chờ nhất của người dân trong khu vực mỗi khi nước tràn đồng. Cá linh theo con nước từ đầu nguồn trôi về, nhiều nhất là ở vùng Hồng Ngự của Đồng Tháp.

Đầu mùa, cá linh non ăn ngon và béo. Anh Nam đã tự tay chế biến món cá linh nhúng giấm thết đãi chúng tôi. Lần đầu tiên, lênh đênh sông nước, chúng tôi được thưởng thức cá linh nhúng giấm ăn chung với bông điên điển, bông súng. Có thể dám chắc, nếu đem đến nơi khác ăn, hương vị sẽ giảm ngon bội phần. Và cũng chính vì điều này mà đã đưa nhiều du khách về Đồng Tháp mùa lũ.

Nhưng anh Nam cũng lo lắng, lũ đang ngày càng ít dần. Lũ nhỏ đã làm nghèo đi cơ hội đánh bắt cá linh của bà con nơi đây. Giải thích việc cá linh về ngày càng ít, anh Nam nói do các nhà máy thủy điện đầu nguồn sông Mekong chặn dòng, cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, con nước về cuối nguồn giảm dần làm hẹp phạm vi môi trường hoạt động của cá linh.

Việc khai thác đánh bắt quá dễ dàng khiến cá linh bố mẹ ngày càng ít đi và lượng cá bơi ngược lên được đầu nguồn để sinh sản do đó giảm mạnh. Vì vậy, cá linh về miền Tây ít là điều đương nhiên.

Anh Nam còn cho biết, người dân miền Tây cũng nuôi hy vọng, ngành chức năng sớm đưa ra các giải pháp thiết thực để các quốc gia trong lưu vực cần phải liên kết để hạn chế tác động vào dòng chảy của sông Mekong. Bên cạnh đó là việc tuyên truyền tránh khai thác tận diệt. Như thế mới mong con cá linh về đều đều, rồi mai sau còn có cá linh để ăn...

Sếu đầu đỏ, lúa ma và món quà mùa nước nổi

Vườn quốc gia Tràm Chim cũng là địa điểm dừng chân lý thú. Nơi đây được mệnh danh là Đồng Tháp thu nhỏ với hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập nước, nơi cư trú của nhiều loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Mùa nước nổi, nơi đây lại càng nhộn nhịp. Để ngắm được vẻ đẹp của hàng trăm loài chim, khi bắt đầu đi vào rừng, du kháchcần tắt máy và để thuyền thả trôi. Anh Nam tiết lộ: Nếu muốn ngắm sếu đầu đỏ thì phải tới Tràm Chim từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 âm lịch, khi đàn sếu bay về Tràm Chim tránh rét.

Vun vút lướt qua mắt chúng tôi là vạt rừng tràm mỏng rồi cánh đồng lúa xanh rờn tới chân rừng tràm. Người địa phương gọi đây là lúa trời, còn sử gia Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí là “quỷ cốc”. Hằng năm, vào khoảng tháng Tư âm lịch, trời bắt đầu mưa, “lúa ma” bắt đầu mọc.

Đến tháng 4 dương lịch, lúa nhú cao chừng 5 tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi (từ tháng 8 đến 12 dương lịch) lúa ma trổ đòng. Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi nước tới đó. Một tháng sau lúa chín. Nắng lên thì lúa rụng, tiếp tục nảy mầm...

Lúa ma, hay còn gọi là lúa trời, là đặc sản của thiên nhiên, người xưa thu hoạch bằng cách bơi xuồng con, chính giữa căng bức màn. Khi xuồng lướt qua ruộng lúa, người ta dùng sào đập cho lúa chạm bức màn rơi xuống khoang. Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng 3 ngày rồi đem phơi cho rụng đuôi trước khi xay, giã thành gạo nấu ăn. Gạo của loại lúa này rất ngon cơm, dẻo và thơm…

Tới giữa rừng, nơi có căn nhà sàn nhân viên giữ rừng ở và căn nhà sàn dài làm nơi ăn uống, chúng tôi leo lên một đài cao quan sát cảnh hoang sơ của Vườn quốc gia. Rừng tràm rộng 1.800ha, nuôi dưỡng 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước.

Các loài chim thường gặp gồm cò trắng, cò bợ, cò lửa, cò lép, vạc, diệc lửa, diệc xám, điên điển, cồng cộc, tu hú, cu ngói, cu cườm, cu... Trong số đó có 13 loài chim quý hiếm thế giới, đặc biệt là hạc, thường gọi sếu đầu đỏ hoặc sếu cổ trụi. Đầu hạc màu đỏ mỏ dài, chân và cổ cao trụi, mình có bộ lông xám tro. Mỗi con hạc nặng cả chục ký…

Thiên nhiên nơi đây giàu có là vậy, nhưng thực tế cho thấy nguồn lợi từ mùa nước nổi ngày càng vơi dần. Từ nhiều năm qua, không ít người dân Đồng Tháp đã kéo nhau lên thành phố lớn để lập nghiệp. Nhưng anh Nam vẫn quyết ở lại để giữ gìn hệ sinh thái của vùng đất, dù biết sức mình có hạn.

Anh tự tin với mô hình phát triển du lịch xanh của mình với những kiến thức và cách làm mới nhưng vẫn đảm bảo sự cân bằng của tự nhiên. Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng nhiều đề án biến nơi đây thành địa điểm du lịch sinh thái với quy mô lớn của cả nước.

Tuy vậy, phải làm gì để vùng trũng Đồng Tháp Mười luôn giữ được những đầm sen khoe sắc trắng, hồng, cùng cò sếu rợp trời, những món quà của mùa nước nổi... là nỗi niềm không của riêng ai.