Theo ông Lê Ngọc Thạch, thủ từ đình Thổ Hoàng, làng cổ Thổ Hoàng ngót nghét ngàn năm tuổi. Theo thần tích còn lưu tại đình làng, xưa kia ở làng có người tên là Bùi Công Hộ, có sức lực hơn người, thông thạo về kinh thư, sử sách.
Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, người đỗ tiến sĩ ở tuổi 15
Ông Vũ Xuân Lý, Trưởng ban lão ông làng Thổ Hoàng, cho biết Thổ Hoàng xưa là vùng đất rộng, được gọi là tổng Thổ Hoàng. Nếu tính cả các vùng đất lân cận xưa kia thì có cả thảy 12 tiến sĩ đỗ đại khoa. Còn tính theo địa giới hiện tại, làng Thổ Hoàng có 10 vị tiến sĩ đỗ đạt trong thời kỳ phong kiến, được nhiều người gọi là làng tiến sĩ.
Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn
Người đầu tiên khai khoa cho làng là danh nhân Nguyễn Trung Ngạn. Ông đỗ Hoàng Giáp tại khoa thi năm Giáp Thìn (1304) thời nhà Trần khi mới 15 tuổi. Không chỉ là tiến sĩ khai khoa cho làng, Nguyễn Trung Ngạn cũng được coi là người trẻ tuổi nhất Việt Nam đỗ tiến sĩ, đứng đầu khoa bảng.
Ông cũng là người nổi tiếng nhất, có học vị cao nhất trong số 10 tiến sĩ khoa bảng của làng Thổ Hoàng, có nhiều công lao đóng góp đối với nền giáo dục nước nhà. Năm 1312, khi mới 23 tuổi, ông đã làm tới chức gián quan. Chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có đến 7 nơi lập đền thờ Nguyễn Trung Ngạn. Tại quê hương, đền thờ ông được xây dựng mới trên quy mô gần 1 ha. Năm 2020, đền được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Người thứ 2 trong làng là Nguyễn Văn Bính, tại khoa thi năm Ất Sửu (1505) đã đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ. Tiếp đó, khoa thi năm Mậu Dần (1518), Nguyễn Trấn Chí đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ.
Đến năm 1526, Vũ Huyễn đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ; khoa thi năm 1553, Hoàng Tuân đỗ Bảng nhãn. Vào các khoa thi từ năm Tân Mùi (1571) đến năm Ất Mùi (1775) có 5 vị đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, gồm: Hoàng Chân Nam, Vũ Trác Oánh, Hoàng Công Chí, Hoàng Công Bảo và Hoàng Bình Chính. Hoàng Bình Chính cũng là tiến sĩ đỗ đại khoa cuối cùng của làng Thổ Hoàng trong thời kỳ phong kiến.
Các tấm biển ghi rõ họ tên tiến sĩ và khoa thi đỗ được trưng bày tại đình làng Thổ Hoàng
Ở thời này, Thổ Hoàng cũng được coi là "lò" luyện thi nổi tiếng ở đất Bắc khi xây dựng nhà thờ Khổng Tử và cũng là nơi các sĩ tử ở khắp nơi đổ về rèn luyện. Đến nay, trải qua thăng trầm của lịch sử, nhà thờ không còn nữa, chỉ còn vết tích là 2 nghiên mực bằng đá khối nặng hàng chục tấn đặt ở đình làng.